Vào những năm 60 của thế kỉ IV, Epprôpi bắt đầu đã có những chuyên khảo về lịch sử Rôma. Những chuyên khảo này đã được dùng như các tài liệu giáo khoa trong các trường trung học ở Bidantium trong một thời gian dài. Tiếp đó cũng ở Bidantium, người ta bắt đầu soạn thảo những từ điển tra cứu về tên tuổi, các nhà hoạt động Rôma nổi tiếng ví như cuốn “Niên đại” của Xinela (thế kỉ IX) vào thế kỉ XII, trong đó trình bày chủ yếu về lịch sử các nhà nước và thành phố ở miền Bắc Italia. Trong các thế kỉ XIII – XIV, người ta bắt đầu thu thập hàng loạt những tác phẩm văn học, lịch sử, nghệ thuật của Rôma, biên dịch và xuất bản bằng nhiều thứ tiếng ở châu Âu. Ancôna Tririacô (thế kỉ XIV) và Brachêninhi (1380 – 1459) được coi là những người châu Âu đầu tiên có những bộ sưu tập về những tài liệu Rôma cổ (cả chữ viết và hiện vật). Năm 1440, lần đầu tiên, Lorenxô đã cho xuất bản “Bản gốc những chiếu chỉ của hoàng đế Cônxtantin”.
Từ cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI, hàng loạt các trường đại học ở Pháp, Anh, Đức, Balan, Tiệp bắt đầu quan tâm nghiên cứu lịch sử Hi Lạp – Rôma cổ, do đó tiếng Latinh Hi Lạp cũng như văn học, lịch sử Rôma đã trở thành môn học chính của các trường này.
Vào thế kỉ XVIII, các nhà khoa học Pháp đã tích cực góp phần nghiên cứu lịch sử Rôma. Năm 1681, Bôxine xuất bản cuốn sách về lịch sử toàn thế giới trong đó ông đặc biệt chú ý về lịch sử Rôma. Đầu thế kỉ XVIII ở Pari xuất hiện tác phẩm nhiều tập “Lịch sử các hoàng đế và các nhà cầm quyền khác trong 6 thế kỉ đầu của lịch sử Cơ đốc giáo” của Lennhe đê Tillemôn (1690 – 1738), Rôllenna liên tiếp trong những năm từ 1739 đến 1749 đã cho xuất bản bộ sách nhiều tập về “Lịch sử Rôma từ khi thành lập đến trận Actium”. Ngoài ra, lịch sử Rôma còn được nói tới trong các tác phẩm triết học, lịch sử của các nhà phục hưng Italia, các nhà văn Pháp Môngtexkiơ, Vonte,…
Cuối thế kỉ XVIII, ở Anh xuất hiện tác phẩm đồ sộ 7 tập của nhà sử học Êđua – Gípbôn “Lịch sử suy vong của đế quốc Rôma”. Nhờ ảnh hưởng của cách mạng tư sản Pháp và tư tưởng của các nhà khai sáng Pháp, người ta đã chú ý đến không chỉ tới lịch sử các nhân vật mà còn chú ý đến những nét đặc thù của từng dân tộc, chú ý đến việc phê phán tư liệu lịch sử… Người đầu tiên đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này là nhà sử học Đan Mạch Gêô – Nhibua (1776 – 1831), giáo sư trường đại học Bon, Béclin, tác giả của bộ “Lịch sử Rôma”, gồm 3 tập (xuất bản trong những năm 1811 – 1832). Người kế tục xuất sắc Gêô là Têôđô – Mongien (1817 – 1903) và Karna Niche (1823 – 1880) với các tác phẩm đồ sộ “Lịch sở Rôma” (5 tập), “Pháp quyền nhà nước Rôma” (3 tập), “Luật hình sự Rôma”, “Lịch sử nghề đúc tiền Rôma”, “Lịch sử nước Cộng hòa Roma”…
Giữa thế kỉ XIX, xuất hiện hàng loạt các công trình nghiên cứu lịch sử Rôma của các nhà sử học Pháp. “Lịch sử chế độ nô lệ thời cổ đại” gồm 3 tập, xuất bản năm 1848 của Vallon (1812 – 1904), “Sơ lược lịch sử tôn giáo Rôma từ Auguxtuxơ đến Antôniô”, “Xixêrôn và bè bạn của ông” của Buachiô (1823 – 1908). “Xã hội cổ đại” (1864), “Chế độ lệ nông Rôma” (1885) của Priuxches để Culangiơ (1830 – 1889).
Các tác gia kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin cũng quan tâm nghiên cứu lịch sử Rôma trong các tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, “Chống Đuyrinh”, “Tư bản”, “Các xã hội tiền tư bản”, “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước”, “Người Giécman cổ đại”…
Đầu thế kỉ XX, công cuộc khai quật khảo cổ được xúc tiến mạnh mẽ ở Bắc Phi, Tiểu Á, Xiri, Mêdôpôtami, Italia… nhiều tài liệu, hiện vật quý được phát hiện. Những giáo trình khảo cổ được biên soạn, hàng vạn tài liệu cổ văn được công bố (ở Ai Cập đã cho xuất bản toàn bộ những tài liệu Papirút của thời Hi Lạp hóa và đế quốc Rôma…). Từ năm 1884 đến năm 1902 đã xuất bản tác phẩm “Lịch sử cổ đại” gồm 5 tập của giáo sư Maiera (1855 – 1930) mô tả tiến trình lịch sử của nhiều dân tộc, nhà nước ở vùng Tiểu Á, ven Địa Trung Hải, từ khi thành lập đến giữa thế kỉ IV TCN.
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/su-phat-trien-cua-che-do-chiem-no-roma-thoi-cong-hoa/
- https://ngaydacbiet.com/nhung-cuoc-dau-tranh-cua-nguoi-binh-dan-polep-plebs/
- https://ngaydacbiet.com/su-thanh-lap-che-do-cong-hoa/
- https://ngaydacbiet.com/cac-nguon-su-lieu-nghien-cuu-lich-su-roma-co-dai/
- https://ngaydacbiet.com/roma-tro-thanh-de-quoc-ba-chu-khu-vuc-dia-trung-hai/
Các nhà sử học Italia cũng có nhiều đóng góp đáng kể. Ferrerô với “Sự cường thịnh và sụp đổ của Rôma” gồm 6 tập xuất bản liên tục trong những năm 1901 1902. “Lịch sử Rôma vào 5 thế kỉ đầu” của Paixơ gồm 5 tập (xuất bản từ 1913 đến 1930). 50 năm đầu của thế kỉ XX xuất hiện nhiều tác phẩm của các sử gia tư sản, kể cả các sử gia phát xít Đức. “Lịch sử kinh tế xã hội của đế quốc Rôma” của Rôxtôxép (năm 1926). “Các dân tộc và văn minh” (1927), “Lịch sử cổ đại” (trong đó lịch sử Rôma gồm 4 tập, 6 cuốn) của nhiều tác giả nổi tiếng như Pâyxơ, Ômô, Baie…
Ở Mĩ từ năm 1933 đến năm 1938 đã xuất bản hàng loạt công trình lịch sử Rôma, dưới sự chủ biên của giáo sư T.Francô “Lịch sử kinh tế Rôma cổ đại. Hệ thống nô lệ ở Hi Lạp và Rôma cổ đại” của một kiều dân Đức – Vexterman – xuất bản năm 1955.
Các nhà sử học Nga cũng có rất nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu lịch sử Rôma. Năm 1512, ở Nga đã xuất bản tác phẩm “Đại biên niên” trong đó chứa đựng một khối lượng tài liệu về các quốc gia cổ. Năm 1685, ở Matxcơva đã thiết lập Viện hàn lâm Xlavơ – Hi Lạp – Latinh, do đó công việc tập hợp, biên dịch các tài liệu cổ tiếng Hi Lạp, Latinh sang tiếng Nga được đẩy mạnh.
Các nhà dân chủ cách mạng Nga Biêlinski, Đôbrôliubốp… cũng nghiên cứu về lịch sử Rôma. Từ những năm 60 của thế kỉ XIX, trong giới sử học Nga đã nổ ra cuộc tranh luận về quan hệ ruộng đất ở Rôma. Năm 1861, trường Đại học Tổng hợp Matxcơva đã xuất bản công trình của P.M. Lêônchép, của P.G. Vixnôgrad đã thừa nhận sự xuất hiện quan hệ lệ nông là một hiện tượng xã hội. Các nhà sử học Nga cũng hết sức quan tâm tới sự phát triển và ý nghĩa của đế quốc Rôma. Giáo sư MP. Đragô Manốp (1841 – 1895) đã cho xuất bản “Về ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của đế quốc Rôma” (năm 1869).
Sau Cách mạng tháng Mười, việc nghiên cứu lịch sử Rôma được đẩy mạnh dưới ánh sáng của các quan điểm duy vật lịch sử. Từ những năm 20 của thế kỉ XX xuất hiện công trình của X.I. Kôvalép, X.V. Xecghêép. Từ những năm 30, xuất hiện nhiều công trình có tính chất tổng hợp về lịch sử Rôma: “Lịch sử xã hội cổ đại” (1936) của Kôvalép; “Khái lược lịch sử Rôma cổ đại” (1938) của Xecghêép; “Tuyển tập các cuộc khởi nghĩa nô lệ thế kỉ II, I TCN” (1934) của X.A. Giêbêlép; “Khởi nghĩa Xpactacuxơ” (1936) của A.V. Mixulin.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, các giáo trình đại học, các công trình về lịch sử Rôma ngày một nhiều “Lịch sử Rôma cổ đại” của Maskin; “Lịch sử Rôma” của Kôvalép; “Nguồn gốc của các nền văn hóa Cơ đốc giáo” (1946) và “Rôma và Cơ đốc giáo khởi thủy” (1954) của R.I. Uvippe; “Khái lược về kinh tế nông nghiệp ở Italia cổ đại” và “Đời sống Rôma cổ đại” (1964). “Lịch sử Rôma cổ đại” (1971) của giáo sư A.G. Boksanhin.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,