Những Đặc Sản Nam Định khác
Nam Định xưa nay không chỉ nổi tiếng với Đền Trần linh thiêng, Chợ Viềng cầu may, lễ hội Phủ Dầy, những phong cảnh nên thơ đi vào lòng bao du khách. Mà Nam Định còn nổi tiếng với những loại đặc sản gây thương nhớ gần xa, khiến người ta đã thưởng thức một lần rồi thì cứ nhớ mãi không thôi. Có dịp đặt chân đến Nam Định ngoài việc thoả mãn thị giác thì du khách hãy cùng Đặc sản chính gốc khám phá những đặc sản nơi đây để mua về làm quà cho mọi người thưởng thức nhé.
Toc
- 1. Những Đặc Sản Nam Định khác
- 2. 1. Nem nắm Giao Thuỷ
- 3. 2. Bánh xíu páo
- 4. 3. Bánh nhãn Hải Hậu
- 5. 4. Bánh gai Bà Thi
- 6. 5. Kẹo dồi
- 7. 6. Bánh chưng bà Thìn
- 8. Bài viết liên quan:
- 9. 7. Chuối ngự chợ Rồng
- 10. 8. Kẹo Sìu Châu
- 11. 9. Bánh dày Vị Dương
- 12. 10. Giò lụa
- 13. 11. Gạo tám Hải Hậu
- 14. 12. Nước mắm chắt
1. Nem nắm Giao Thuỷ
Nem Nắm Giao Thủy là một món ăn rất ngon, bổ dưỡng được ưa chuộng trong các buổi tiệc đám cưới, liên hoan…Nem được làm từ phần thịt ngon mới mổ, gia vị, bì lợn trộn với thính gạo, thứ thính được tạo ra từ hạt gạo tám thơm với nhiều công đoạn khác nhau. Thính sẽ được trộn đều với nguyên liệu bì và thịt lợn đã sơ chế, giã nhuyễn. Từng hạt thính nhỏ li ti quyện chặt lấy từng sợi bì, đảo đều tay nghe xào xạo vui tai, rồi nắm chặt gói lại bằng lá sung hoặc đinh lăng khi ăn chấm nước mắm gia truyền được ngâm trong nhiều năm của vùng, pha thêm vị chua, cay, ngọt của ớt, giấm, đường. Nem nắm Giao Thủy có vị béo ngậy mà không ngán, lẫn với vị hơi chát của lá sung sẽ tạo nên cảm giác rất tuyệt khi thưởng thức đấy!
2. Bánh xíu páo
Bánh xíu páo có nguồn gốc từ Trung Hoa, theo chân người dân đến Nam Định. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu gồm bột mì, thịt, trứng, bột, mỡ lợn và một số gia vị đặc trưng tùy theo cách làm gia truyền của mỗi gia đình. Bánh thoạt nhìn giống bánh bao, nhưng vỏ ngoài thì lại giống bánh pía, nhân thì lại giống bánh nướng. Bánh xíu páo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, có đủ tinh bột, protein trong thịt, trứng, trở thành món ăn sáng hay ăn vặt mỗi chiều khá lý tưởng. Thưởng thức bánh ngay lúc nóng bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của thịt xíu, vị bùi, béo ngậy của thịt mỡ cùng vị cay cay của hạt tiêu. Sự hòa quyện các loại nhân bánh rất kích thích vị giác.
3. Bánh nhãn Hải Hậu
Gọi là bánh nhãn vì đơn giản bánh trông có hình như quả nhãn và ngày xưa bánh được xem là món ăn cao quý dùng để tiến vua chúa như quả nhãn lúc bấy giờ. Bánh được làm từ những nguyên liệu thân thuộc như bột gạo nếp, trứng gà, đường trắng, mỡ lợn sạch… trứng gà và bột nếp phải lựa loại ngon và chất lượng mới làm ra được những miếng bánh ngon. Với cách làm và gia giảm nguyên liệu người Hải Hậu sẽ cho ra đời thứ đặc sản riêng biệt mà không phải nơi naò cũng làm được. Khi ăn miếng bánh giòn tan trong miệng, vị thơm của trứng, dẻo của gạo nếp, ngọt nhẹ của đường trắng mà đậm đà vị quê hương nhấp cùng ngụm trà thì vô cùng ý vị.
4. Bánh gai Bà Thi
Đối với người dân Nam Định không ai xa lạ bánh gai Bà Thi, món bánh gắn liền với mỗi dịp lễ tết và là thức quà được du khách lựa chọn khi có dịp đến nơi này. Bánh được làm từ gạo nếp ngon và lá gai đã được chọn kĩ, quết thành bột mịn, không cấn tay. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dừa, mè, hạt sen… xên với đường. Bánh được gói bằng lá chuối ngự, hấp chín mà không được luộc sẽ làm mất đi hương vị. Khi ăn vị thơm, ngọt, dẻo hoà quyện sẽ khiến du khách nhớ mãi. Bánh có hạn sử dụng khá ngắn, du khách chú ý lựa chọn bánh mới hấp để mang về làm quà nha.
5. Kẹo dồi
Ban đầu kẹo dồi chỉ được bán ở các chợ vùng quê, dần dần sau đó lại trở thành đặc sản một món quà quê được nhiều người biết đến. Kẹo có lớp vỏ màu trắng đục bên ngoài rất giòn và ngọt đậm nhưng không quá gắt. Bên trong lớp vỏ là phần nhân gồm đậu phụng (lạc) rang, đường, mạch nha, vani được trộn điều. Làm kẹo dồi đòi hỏi rất kì công và người làm phải có sức khoẻ tốt mới làm kẹo được giòn, khi ăn du khách sẽ cảm nhận vị giòn của vỏ, bùi, ngậy và thơm của nhân. Nhâm nhi cùng tách trà nóng trong ngày mưa, bạn sẽ cảm nhận được cái tinh tuý và tâm tình của người làm kẹo gởi gắm vào.
6. Bánh chưng bà Thìn
Bánh chưng là một trong những loại bánh truyền thống của Việt Nam thường xuất hiện vào các dịp lễ tết của người miền Bắc. Ai cũng có thể làm được bánh chưng nhưng để làm ra được bánh chưng ngon và nổi tiếng thì đòi hỏi người làm bánh phải có tâm và tỉ mỉ trong việc chọn nguyên liệu. Để có một chiếc bánh chưng thơm ngon, dẻo của gạo nếp quyện với vị béo ngậy của miếng thịt và một chút đậm đà, cay cay của muối và hạt tiêu cùng với màu xanh bắt mắt bên ngoài không đơn giản chút nào. Bánh chưng Bà Thìn được làm từ những hạt lúa nếp căng mẩy, to tròn, đậu xanh, thịt ba chỉ và gia vị… được gói theo bí quyết gia truyền riêng rồi đem luộc chín. Bánh có màu xanh của lá, bao bọc lớp gạo trắng ngọc ngà, ấp ủ nhân đậu xanh quyện trong vị đậm đà béo ngậy của thịt, mỡ, hành. Bánh còn nguyên hạt gạo mà nhừ tơi, tan thấm vào đầu lưỡi. Cả đất trời như thu vào trong cái hương vị ấy.
Bài viết liên quan:
7. Chuối ngự chợ Rồng
Chuối ngự là loại chuối được dùng để tiến vua thời xưa, và rất được ưa chuộng ngày nay, thường được du khách lựa chọn làm quà và thưởng thức. Chuối Ngự có quả rất nhỏ, khi chín có màu vàng ươm như tơ tằm, mùi thơm ngát, vị ngọt thanh. Không chỉ đẹp về màu sắc, chuối ngự còn được trời cho về dáng đẹp nhất, từ buồng, đến nải lẫn quả. Chuối Ngự gồm nhiều loại như: chuối ngự mít, chuối ngự tía, chuối ngự trâu, chuối ngự miền Nam, chuối ngự thóc… loại nào cũng thơm ngon và đẹp. Chuối ngự bày bán theo buồng, buồng to chỉ dăm bảy nải. Người mang đi xa thì nên chọn phần quả còn xanh, người nhà gần thì chọn buồng chuối chín. Đến với Nam Định thăm thú chợ Rồng, du khách đừng quên món quà quê mộc mạc này nhé.
8. Kẹo Sìu Châu
Kẹo Sìu Châu là thức quà đơn giản mộc mạc nhưng làm cho những ai xa quê hương vẫn mãi nhớ về. Nguyên liệu làm kẹo Sìu châu đơn giản chỉ gồm: lạc, vừng, đường, mạch nha. Sau khi ra lò, kẹo có sắc nâu hồng và trong như hổ phách, ăn giòn tan, thơm bùi vị lạc, ngọt đậm để lại dư vị khó quên, được bao bọc trong lớp vỏ bột nếp nên để lâu không bị yểu và làm cho kẹo đậm bị hơn.
Thưởng thức kẹo Sìu Châu kèm tách trà nóng là hết sảy, vị ngọt của kẹo, vị hơi đăng đắng của trà sẽ khiến bạn không còn cảm thấy ngọt sắc ở cuống họng. Đừng quên món quà dân dã, mộc mạc này khi đến với Nam Định nhé.
9. Bánh dày Vị Dương
Bánh dày Vị Dương được làm theo phương thức truyền thống nhưng đã làm nên thương hiệu. Nhắc đến bánh dày, chắc hẳn mỗi ai trong chúng ta cũng sẽ liên tưởng đến “sự tích bánh chưng bánh dày” nhờ những chiếc bánh dân dã mộc mạc gắn liền với thôn quê mà Hoàng tử đã được vua cha nhường cho ngôi báu. Vỏ bánh được làm từ bột nếp, phần nhân ngọt được làm từ đậu xanh, đường, dừa nạo nhỏ. Nếu thưởng thức bánh dày mặn sẽ cảm nhận được vị bùi của đậu xanh, một ít mỡ , tiêu xay. Hoặc bánh dày chay chỉ được làm từ bột nếp. Bánh có hình tròn, màu trắng tinh, dẻo dai, vị ngon và mùi thơm khó cưỡng được để trên miếng lá chuối màu xanh có hình tròn vừa với chiếc bánh. Thưởng thức bánh dày bạn sẽ cảm nhận được tất cả vị ngon hoà quyện lại, kích thích vị giác cứ muốn ăn mãi ăn mãi mà thôi. Nếu du khách có ghé thăm Nam Định, chớ quên món đặc sản Nam Định dân giã này nhé, vừa là thưởng thức trong những chuyến đi dài, vừa để tặng người thân, bạn bè cùng thưởng thức.
10. Giò lụa
Giò lụa là món ăn gắn liền trong những bữa cơm gia đình hoặc trong các buổi lễ, tiệc… là món đơn giản mà ngon, đảm bảo dinh dưỡng. Dưới bàn tay khéo léo của mình người dân Nam Định đã làm nên món chả giò làm mê đắm bao thực khách. Có rất nhiều loại giò làm từ thịt lợn: giò lụa (giò nạc), giò xào (giò thủ), giò thúc…mỗi loại có hương vị, cách làm riêng nhưng giò lụa lại được xếp hàng đầu, ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Cùng một cách làm, nhưng với bí quyết riêng trong việc chế biến giò lụa Nam Định đem đến cho mình một vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng. Khi ăn giò có vị ngọt tự nhiên, mềm, mịn dai rất ngon. Đừng quên một vài cây giò mang về cho mọi người cùng thưởng thức khi đến với Nam Định bạn nhé.
11. Gạo tám Hải Hậu
Ở nước ta nhiều nơi có gạo tám, nhưng gạo tám Hải Hậu Nam Định nổi tiếng ngon. Từ xa xưa gạo tám ở đây đã được chọn để tiến vua và ngày nay được dùng trong các tiệc chiêu đãi quan trọng. Gạo tám Hải Hậu hạt nhỏ dài, nấu cơm rất mau chín, cơm tám màu trắng xanh, dẻo, mùi thơm ngào ngạt, ăn mau tiêu và hàm lượng chất bổ cao hơn các loại gạo khác rất nhiều. Gạo tám Hải Hậu chứa nhiều tinh bột, một thành phần chủ yếu cung cấp nhiều năng lượng, đồng thời nó cũng bổ sung một lượng protein, nước, vitamin và các chất khoáng rất cần thiết cho cơ thể. Độ mềm cùng với mùi thơm đặc trưng của những hạt gạo Tám thơm cao cấp sẽ góp phần tăng thêm cảm giác ngon miệng trong bữa cơm gia đình của bạn. Chần chừ gì nữa, hãy mua ngay gạo tám thôi nào.
12. Nước mắm chắt
Đến Nam Định du khách hãy thử một lần mua nước mắm về làm quà. Mắm được làm hoàn toàn thủ công, lựa chọn nguyên liệu kĩ càng, ủ muối và phơi nắng tận 12 tháng mới thu về được những giọt nước mắm nguyên chất đấy. Mắm không thể thiếu trong mỗi gia đình đúng không nào, vừa giúp bữa ăn ngon lại vừa bổ sung dinh dưỡng nữa đấy.