Tình hình kinh tế của vương quốc Babylon
Bộ luật Hammurabi đã cho ta biết công cụ sản xuất của người Babylon – Lưỡng Hà ở giai đoạn phát triển của đồng thau, sắt cũng đã xuất hiện nhưng chưa được sử dụng rộng rãi.
Trên cơ sở công cụ đồng thau, kĩ thuật sản xuất và canh tác của cư dân Lưỡng Hà đã có những tiến bộ đáng kể. Cái cày thô, nặng, lưỡi bằng đồng thau, sử dụng sức kéo của bò, ngựa, lừa đã trở nên phổ biến. Việc sử dụng hệ thống guồng tưới nước, nhất là ở các khu ruộng, vườn có độ cao đã tăng thêm diện tích canh tác trồng trọt. Công tác thủy lợi được đặc biệt quan tâm. Nhiều hệ thống thủy nông được tu bổ, sửa chữa, xây dựng. 9 năm sau khi lên cầm quyền, Hammurabi đã cho đào sông lớn nối liền sông Tigrơ, Ơphơrát (ở vùng hạ lưu) mang tên “sông đào Hammurabi – sự giàu có”. Hammurabi vẫn thường tự hào: “Ta tu bổ sông ngòi, đem nước nguồn về tưới đồng ruộng vùng Sumer và vùng Akkad. Ta biến đất đai hai bên bờ sông thành đồng cỏ xanh tươi. Ta đảm bảo cho mùa màng được phong phú”. Dưới thời Hammurabi, công tác thủy lợi được triển khai rộng và không chỉ là một công việc quan trọng của nhà nước, mà đã trở thành “việc của dân”. Các địa phương, các công xã nông thôn và từng gia đình có trách nhiệm trông nom giữ gìn các công trình thủy lợi, ai cố tình vi phạm sẽ bị xử lí, bồi thường (điều 53), nếu người đó không có tài sản phải bán thân để bồi thường thiệt hại do họ gây nên.
Nhờ hệ thống thủy lợi được mở mang, chăm sóc, hoạt động kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng nhất trong toàn bộ nền kinh tế Lưỡng Hà. Trên đồng ruộng, lúa mạch, lúa mì vẫn được trồng phổ biến. Các khu vườn lớn vẫn tràn ngập cây chà là. Sản phẩm nông nghiệp phong phú dồi dào, không những đủ cung cấp cho cư dân trong nước, mà còn dùng để trao đổi xuất sang các vùng phụ cận, nhất là cho các bộ lạc chăn nuôi ở vùng đồng cỏ Syria.
Quyền sở hữu ruộng đất tối cao về danh nghĩa vẫn thuộc về nhà vua. Nhưng trên thực tế, ruộng đất được phân thành 3 loại:
- Ruộng đất của nhà vua, quan lại, quý tộc và tăng lữ.
- Ruộng đất do công xã nông thôn quản lí.
- Ruộng đất tư hữu.
Chế độ tư hữu ruộng đất vẫn tồn tại và có cơ phát triển mạnh. Tuy nhiên, diện tích ruộng tư hữu chưa lớn lắm; 90% những chủ ruộng đất tư hữu có không quá 8,5 ha, chủ ruộng nào có tới 31 ha đã được coi là chủ ruộng lớn và hiếm. Trên cơ sở chế độ tư hữu ruộng đất, hiện tượng phát canh thu tô trở thành phổ biến. Từ điều 42 đến điều 47 của Bộ luật đã quy định khá rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người chủ ruộng và người lĩnh canh, mức tô khá cao, thông thường là từ 1/3 đến 1/2 thu hoạch.
Các ngành thủ công nghiệp cũng đạt được nhiều thành tựu. Có 2 loại thợ thủ công: thợ thủ công tự do sống và làm tại các xưởng của nhà nước hoặc của tư nhân ở thành thị và thợ thủ công hành nghề ngay trong các công xã nông thôn.
Bài viết liên quan:
Thời Hammurabi cho vay nặng lãi đã trở thành một ngành kinh doanh của giới quý tộc, có thu nhập cao. Vật cho vay có thể là tiền (bạc), có thể là ngũ cốc với lãi suất khá cao, thông thường là 20%, có khi lên tới 30%.
Tình hình xã hội của vương quốc Babylon
Xã hội Babylon thời Hammurabi được xây dựng trên cơ sở những gia đình phụ quyền, trong đó quyền lực của người đàn ông – chủ gia đình là rất lớn.
Số lượng nô lệ và quan hệ nô lệ thời cổ Babylon phát triển hơn thời kì Sumer, Akkad, do luôn được bổ sung từ tù binh chiến tranh và số dân nghèo phải bán mình làm nô lệ.
Luật pháp cũng hết sức bênh vực và bảo vệ quyền lợi cho giai cấp chủ nô. Những kẻ nào giúp nô lệ chạy trốn hoặc che giấu nô lệ sẽ bị xử tử. Các cơ quan của nhà nước phải có trách nhiệm giúp chủ nô tìm lại nô lệ của chúng bỏ trốn. Người nào giúp nô lệ xóa bỏ những dấu ấn khắc ở trán nô lệ thì sẽ bị chặt các ngón tay…
Nô lệ ở Babylon thời Hammurabi cũng đã bị biến thành một thứ tài sản, hàng hóa đem trao đổi. Người có tiền có thể mua nô lệ, chủ nô có quyền đem nô lệ ra mua, bán, đổi chác tùy ý họ.
Quan hệ nô lệ ở Babylon có phát triển hơn, tuy nhiên chế độ nô lệ ở Babylon vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ của chế độ nô lệ gia trưởng vì số lượng nô lệ và vai trò của họ trong đời sống kinh tế, xã hội chưa áp đảo được số lượng lao động của người nông dân công xã. Đa số các chủ nô chỉ có từ 5 đến 7 nô lệ. Luật pháp còn cho phép chủ nô có quyền lấy nữ nô và trong trường hợp ấy con cái của nữ nô sinh ra sẽ được luật pháp coi là người tự do. Điều 117 quy định số trường hợp người tự do bị gán mình làm nô lệ, thì không phải làm nô lệ suốt đời, họ chỉ phải lao động nô lệ cho chủ trong thời hạn là 3 năm.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,