Khoảng đầu thiên niên kỉ III TCN, tộc người Semites từ miền ngoại Capcadơ bắt đầu thiên đi xuống phía nam, và ào ạt tràn vào Tây Á, sống du mục trên một dải đất dài từ Syria đến sa mạc Ả rập. Trong số những tộc người Semites, người Akkad đã sống định cư ở vùng trung du Lưỡng Hà, lấy thành thị Akkad làm thủ phủ và xây dựng nên quốc gia của mình. Akkad là một thành thị nằm ở vùng giữa 2 sông Ơphơrát và Tigrơ sát gần nhau nhất. Là giao điểm của các đường thương mại từ Đông sang Tây, từ Nam đến Bắc, tạo cho Akkad một lợi thế trong giao dịch thương mại, giao lưu kinh tế, văn hóa.
Thời kỳ Sargon trị vì
Người lập quốc gia Akkad là Sargon (2369 – 2314 TCN) theo truyền thuyết, Sargon (tiếng Akkad là Šarru-kēn) có nghĩa là “vua chân chính”, đã làm vườn và quan hầu của Uarababa. Căn cứ vào những bản khắc trên tượng và các di vật khác mà Sargon đã cúng cho miếu đường Nippua ta thấy: sau khi thành lập quốc gia Akkad, Sargon đã đánh Kisơ, đánh bại thế lực của Lugandắcgidi (Patesi của quốc gia Umma), tiếp đó chiến thắng Urúc và hơn 50 quốc gia của các Patesi khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quốc gia của người Sumer ở Lưỡng Hà, đã được thống nhất bằng bạo lực dưới sự cai quản của Sargon – Akkad.
Sargon còn tiến sang phía đông, đánh chiếm một phần đất của Flam, làm chủ cả phần đông – bắc Lưỡng Hà. Sargon cũng đã tiến hành những cuộc viễn chinh mở rộng ảnh hưởng của mình tới tận Syria, Palestine. Một quốc gia Akkad rộng lớn từ vịnh Pécxich (vịnh Ba Tư) đến miền thượng lưu sông Tigrơ (bao gồm cả một phần đất Elam) được thiết lập. Sargon cũng là vua đầu tiên của người Semites tiếp thu văn hóa của người Sumer và thực hiện việc đồng hóa người Sumer và người Semites – Akkad.
Trong thời gian trị vì của mình, Sargon cũng hết sức chú ý đến hoạt động kinh tế nông nghiệp, củng cố và mở rộng nhiều công trình tưới tiêu nước: sông đào nối liền 2 sông Ơphơrát và Tigrơ được hoàn thành; hệ thống thủy lợi toàn khu vực Lưỡng Hà được điều chỉnh sửa chữa, tu bổ; hệ thống đo lường được thiết lập, thống nhất áp dụng cho toàn bộ khu vực Lưỡng Hà tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại vốn phát triển ở vùng này.
Thời kỳ Naramxin trị vì
Đến thời thống trị và cầm quyền của Naramxin (2270 – 2251 TCN) – cháu nội Sargon, quốc gia Akkad lại càng phồn vinh. Bằng vũ lực và những cuộc chiến tranh xâm lược, Naramxin đã mở rộng cương vực Akkad. Naramxin đã hoàn thành công cuộc chinh phục những miền đất của người Elam, của người Lumlubây (đông – bắc Lưỡng Hà). Naramxin còn vươn tới khu vực của các tộc người ở miền núi Acmêni. Quân đội Akkad cũng đã tấn công Syria và tràn tới bờ đông Địa Trung Hải.
Một vùng đất rộng lớn ở Tây Á nằm trong sự khống chế của Akkad. Vua Naramxin trở thành “Vua 4 hướng của thế giới”. Ngoài những biến động về chính trị, lãnh thổ dưới thời thống trị của Akkad, xã hội Lưỡng Hà cũng có những thay đổi đáng kể. Công xã nông thôn vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng dấu hiệu của sự suy yếu, rạn nứt đã bộc lộ khá rõ nét. Riêng đất công của các công xã nông thôn bị lấn chiếm, các quan chức của các công xã nông thôn thường lợi dụng uy quyền của mình cắt xén ruộng công đem bán. Những tài liệu ghi chép trên bia của vua Manistusu đã cho biết vua mua nhiều ruộng công của các công xã nông thôn thuộc thành thị Kisô và các vùng phụ cận. Có những lô đất rộng tới 2.000 ha, vừa để lập những trang trại riêng vừa để làm vật tặng cho các quan chức, tướng lĩnh có công với mình. Chế độ tư hữu ruộng đất phát triển, ruộng đất tư của nông dân bị chiếm đoạt, ruộng đất công của các công xã nông thôn quản lí cũng bị lấn chiếm. Tính bền vững, cố hữu của các công xã nông thôn Lưỡng Hà dựa trên chế độ công hữu ruộng đất, bị tan vỡ.
Nhiều nông dân công xã vốn sống chủ yếu vào số ruộng đất được công xã chia cho hàng năm đã trở thành người nông dân hoặc sống theo kiểu lĩnh canh ruộng đất của quý tộc. Hoặc làm thuê theo những giao kèo cam kết cho các trang trại của quý tộc, đền chùa, thân phận không gì hơn những người nô lệ, quan hệ nô lệ nhờ thế được tăng cường hơn. Ách áp bức và sự bóc lột nặng nề của nhà nước Akkad đã gây ra sự chống đối quyết liệt và âm ỉ không những trong đám quần chúng lao khổ mà còn ở ngay các thành thị Sumer phải tạm thời khuất phục Akkad.
Nhiều phong trào phản kháng nổ ra ở các địa phương đến nỗi Rumesơ (con trai Sargon) đã phải kêu lên: “Những địa phương mà cha ta – Sargon – đã để lại cho ta, đều chống ta. Không có một địa phương nào trung thành với ta cả”. Đương nhiên, những cuộc phản kháng đó cũng như những cuộc bạo động của nông dân đều bị Sargon và các vua chúa Akkad sử dụng vũ lực đàn áp theo phương châm “đốt thành ra tro, một tổ chim cũng không còn”.
Thời kỳ Sacalisara trị vì
Đến thời Sacalisara (2253 – 2230 TCN) – triều vua cuối cùng của người Akkad ở khu vực Lưỡng Hà – xã hội Lưỡng Hà khủng hoảng nghiêm trọng, các thành thị nổi dậy chống đối. Bao động và khởi nghĩa của dân nghèo nô lệ thường xuyên xảy ra, đặc biệt người Akkad phải đối đầu với những cuộc tấn công xâm lược liên tục của người Elam từ phía đông, của người Amôrít từ phía tây và người Guti từ hướng đông bắc Lưỡng Hà.
Kết quả là toàn bộ khu vực Lưỡng Hà trong suốt 60 – 70 năm nằm trong sự khống chế của người Guti. Lịch sử Lưỡng Hà hầu như bị chững lại, thuế má và sưu dịch đè nặng trên đầu người dân Lưỡng Hà. Nền kinh tế bị phá hoại và ngăn cản. Hệ thống thủy nông bị bỏ rơi, không được chăm sóc tu bổ. Kinh tế kiệt quệ và đời sống cư dân hết sức điêu đứng. Lòng hận thù của người Sumer, Akkad với tộc người Guti ngày một tăng.
Khoảng năm 2150 TCN, Utukegan – vua thành Urúc – đã tập hợp lực lượng Sumer, Akkad đánh đuổi người Guti ra khỏi khu vực Lưỡng Hà, khôi phục lại được nền độc lập cho các thành thị Sumer và Akkad.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,