Nhà nước cổ Babylon tiếp tục tồn tại và xây dựng theo hình thái nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Quyền lực tập trung trong tay nhà vua, vua được thần thánh hóa với quyền lực tối cao và thiêng liêng cai trị đất nước. Hammurabi vì thế trở thành Enxi của các chúa tể của cả nước Babylon.
Sự thống nhất về chính trị trong toàn quốc được thiết lập. Hammurabi đã tổ chức và hoàn thiện bộ máy nhà nước từ trung ương đến các địa phương theo nguyên tắc tập trung chuyên chế. Hammurabi đã chia vương quốc thành 2 bộ phận, 2 khu vực hành chính, thực hành những biện pháp cai trị khác nhau: Vùng Akkad và Bắc Sumer là một khu vực hành chính, ở vùng Nam Sumer là khu vực hành chính thứ hai. Ở Akkad và Bắc Sumer, vua cử những viên toàn quyền (thực chất là những tổng đốc do nhà vua trực tiếp bổ nhiệm) gọi là Xucalu, thay mặt nhà vua trực tiếp cai quản khu vực này bao gồm từ việc quản lí kinh tế, thu thuế, xây dựng và chỉ huy quân đội, đến việc huy động dân chúng thực hiện các nghĩa vụ lao động khác (thủy lợi, xây dựng đền đài, cung điện, đường sá…). Vùng Nam Sumer được đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của toàn quyền Xinidinnama. Ngoài những chức năng như ở vùng Akkad, Bắc Sumer, các quan thống trị ở vùng này còn có thêm nhiệm vụ giúp nhà vua quản lý, điều hành việc sản xuất, chăn nuôi trong trang trại của nhà vua.
Hammurabi rất quan tâm và thực sự đã tổ chức được lực lượng quân đội hùng mạnh. Quân đội thời Hammurabi là quân đội thường trực. Các tướng lĩnh và binh sĩ đều được phân cấp ruộng đất. Ai có công được ban thưởng rất hậu. Ruộng phân cấp cho binh sĩ được chia thành 3 hạng cao thấp khác nhau. Cao nhất gọi là Đêcu dành cho cấp chỉ huy và hai loại thấp hơn gọi là Rêđu và Bairu.
Quân đội thường trực này được huấn luyện kĩ và có kỉ luật nghiêm. Binh sĩ nào bỏ trốn, luật pháp xử rất nặng, binh sĩ không thực hiện lệnh điều động ra các mặt trận sẽ bị tử hình. Chính nhờ lực lượng quân sự hùng hậu và có kỉ luật này, Hammurabi đã tiến hành thắng lợi các cuộc viễn chinh xâm lược, chinh phục toàn xứ Lưỡng Hà. Ốn định tình hình, phát triển kinh tế, đưa Babylon trở thành “thời kì hoàng kim” của lịch sử Lưỡng Hà. Thực hiện thành công cả 3 chức năng của nhà nước chuyên chế phương Đông : cướp bóc nhân dân trong nước và ngoài nước, tổ chức xây dựng và quản lí các công trình công cộng, nhất là công trình thủy lợi.
Hammurabi cũng là ông vua đầu tiên ở Lưỡng Hà chế định một bộ luật thành văn hoàn chỉnh và áp dụng thống nhất cho toàn khu vực Lưỡng Hà. Luật Hammurabi với 282 điều khoản về hình sự, về quyền thừa kế tài sản, về gia đình, về nô lệ, về lĩnh canh ruộng đất… Mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là việc bảo vệ quyền lợi của giai cấp hữu sản, công cụ để duy trì, củng cố bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền.
Sau khi Hammurabi chết (1750 TCN), vương quốc cổ Babylon liên tục gặp phải những khó khăn. Những dấu hiệu của sự suy vong đã bộc lộ khá rõ nét. Trong nước, ngoài việc trấn áp những cuộc đấu tranh, khởi nghĩa của nô lệ, dân nghèo, nhà nước Babylon phải đương đầu với sự phản kháng của những quý tộc địa phương ở phía nam trong “Liên minh những nước vùng biển”. Quốc vương Xamariluna – con trai Hammurabi – còn phải chống trả quyết liệt những đợt tấn công xâm nhập ồ ạt của các tộc người sống xung quanh khu vực Lưỡng Hà: người Xemít (ở vùng duyên hải Sumer), người Êlam, từ phía đông, người Hitdit ở phía bắc và người Cát xít ở phía đông bắc. Năm 1518 TCN, người Cát xít chiếm được Babylon và thống trị ở đây mãi cho tới năm 1165 TCN. Sau đó bị đế quốc Atxiri thôn tính.
Babylon mất vai trò chính trị quan trọng của mình trong nhiều thế kỉ, mãi cho tới thế kỉ VII TCN, khi vương quốc Tân Babylon được thiết lập, địa vị chính trị của Babylon mới được khôi phục.
Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục,