Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, sau hai chị em bà Trưng Trắc, Trưng Nhị (năm 40) đến bà Triệu Thị Trinh (năm 248) lại thêm một lần nữa cho thấy phẩm chất tài năng của những người con xuất sắc đã làm vẻ vang cho nòi giống. Đây chỉ mới nói riêng về phái nữ.
Bà là em ông Triệu Quốc Đạt, người đất Trung Sơn thuộc quận Cửu Chân (nay là tỉnh Thanh Hóa), sống ở kỷ thuộc Ngô (Trung Quốc).
Khi còn nhỏ, bà có tên là Ẩu. Tên ấy có thể từ lúc sơ sinh bà đã hứa hẹn một giai nhân sau này, nên cha mẹ đặt thế để trời đất khỏi “bắt” đi chăng? Cũng có thể, do lúc còn nhỏ bà đùa nghịch như con trai, lại bướng bỉnh hay gây gỗ và đã đánh hỏng nhiều đồ vật trong nhà? Nhưng cũng có thể, chỉ đơn giản là cha mẹ thuận miệng mà gọi, chứ chẳng có hàm ý gì.
Cho dù thế nào thì khi lớn lên, bà cũng đã là một trang giai nhân thực thụ. Sắc đẹp của bà không phải là vẻ lộng lẫy yêu kiều và dáng điệu thiết tha yểu điệu của những cung tần mỹ nữ ở nơi cung vua phủ chúa, mà là cái đẹp khỏe mạnh, phóng khoáng của quê hương đồng nội, của đời sống nơi thôn dã.
Trên gương mặt bà, tuy cũng là mắt phượng mày châu, nhưng sống mũi, khóe miệng lại toát lên vẻ cương nghị, quả cảm. Còn thân hình bà thì cao lớn, nở nang với đôi chân và đôi tay dài. Các sách vở thời trước ghi bà có vú dài ba thước chắc là đã nhấn mạnh đến vẻ đẹp nữ tính theo quan niệm của đương thời. Toàn bộ con người bà chứa đựng một nguồn sinh lực thật dồi dào và một phong thái hiên ngang đầy uy lực.
Là con một vị hào trưởng tiếng tăm lừng lẫy trong vùng, nên từ nhỏ bà được luyện tập các môn võ nghệ. Càng lớn lên, thiên hướng “con nhà võ” ở bà lại càng lộ rõ. Bà rất tinh thông các cách bài binh bố trận và tài sử dụng cung kiếm cũng thực hơn người. Tính tình của bà thì cũng vẫn như xưa: ngang tàng và đầy khí phách, làm cho ngay cả đám mày râu cũng phải kính nể.
Người anh Triệu Quốc Đạt của bà cũng là một người có tài xuất chúng, lại có đức độ và chí khí hơn người. Ông giao du rất rộng. Bạn bè và người tâm phúc vì thế mà cũng rất đông. Bốn người bạn là Vương Thiện. Lãnh Long, Bao Thúc, và Tốn Thận, đều là những bậc kỳ tài và có đảm lược.
Khi hai anh em lớn lên thì cha mẹ già yếu rồi nối nhau, lần lượt qua đời. Người anh lấy vợ, nhưng phải cái chị dâu tính tình cũng không tốt, vừa tầm thường nhỏ nhen lại hay đanh đá cá cầy. Tính tình ấy ở cùng nhà với Triệu Thị Trinh thì khác nào như nước với lửa. Một hôm, hai chị em xô xát, người chị dâu cậy thế, vừa chửi bới vừa xông vào đánh trước, khiến bà tức giận buộc phải ra đòn. Nào ngờ miếng đòn của bà trúng ngay chỗ hiểm, làm người chị dâu lăn quay ra chết. May mà lúc ấy không có ai chứng kiến.
Khi người anh đi thăm bạn bè trở về nhà, thấy sự thể như thế, lúc đầu cũng vô cùng tức giận. Bà cứ thực sự nói lại, nên về sau người anh cũng thấy nguôi ngoai. Vả lại, có làm to chuyện này ra thì cũng mang lại những điều bất lợi. Vừa mang tiếng với làng nước, bạn bè, vừa làm miếng mồi để quan trên thừa dịp đục khoét. Thời bấy giờ, dân chúng đang rên xiết dưới ách ngoại bang, đi thưa kiện chỉ là tự chuốc thêm lấy tai vạ.
Hai anh em tìm cách thu xếp việc này cho êm thấm, tuy vậy trong thâm tâm người anh vẫn có sự bực bội. Họ chia của nả, rồi người em làm nhà đi ở nơi khác. Mặc dù không ở cùng nhà, nhưng về sau, anh em vẫn thường qua lại thăm hỏi nhau. Đến năm hai mươi tuổi, người em vẫn chưa lấy chồng.
Và như đã nói, cả hai anh em đều là những người phóng khoáng, thích giao du rộng. Cũng như người anh, tân khách trong nhà người em có khi đông tới hàng nghìn, mà đều là những kẻ sĩ tráng kiện nhất thời. Có lần người anh khuyên nhủ người em là đàn bà con gái không nên giao du nhiều và hào phóng đến như vậy, nhưng đã nhận được câu trả lời:
– Người ta sống trong cõi trần thế, từ lúc thanh xuân đến khi tuổi già, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ là phút chốc so với đất trời, vậy chẳng lẽ không làm điều gì để chứng tỏ rằng mình sống cho đáng sống hay sao?
Người anh lấy làm ngạc nhiên:
– Em nói thế, chưa hiểu rõ ý là thế nào?
Người em đáp:
– Em chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, chém cá kình lớn ở ngoài biển Đông, quét sạch ngoại bang, cứu dân ra khỏi cảnh lầm than, chứ chẳng muốn khom lưng cúi đầu làm tỳ thiếp cho người ta đâu.
Người anh cả cười:
– Khá lắm!
Thế là từ đấy hai anh em ra sức tập hợp, tổ chức lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa.
Hồi ấy, vào khoảng năm Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh An đời Ngô (248) nỗi khổ nhục của dân ta dưới ách cai trị của quan lại phương Bắc đã đến mức cùng cực. Sưu cao, thuế nặng lại thêm phu phen, tạp dịch nhiều bề, khiến cho dân chúng không biết trông cậy vào đâu mà sống. Người các thôn ấp phải đi phiêu bạt các nơi. Mỗi khi có ai mới đến trang trại của mình, đều được hai anh em Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh tiếp đãi ân cần, chu đáo. Vì vậy, tiếng lành đồn xa, chỉ trong vòng mấy tháng, hai anh em đã tập hợp được một lực lượng rất lớn, đến mấy nghìn người. Tình hình trong nước lúc bấy giờ cũng bắt đầu có rối loạn.
Thời cơ khởi nghĩa đã đến! Cả bốn người bạn đều xúm vào khuyên, nhưng Triệu Quốc Đạt vẫn còn phân vân do dự:
– Quân Ngô còn rất mạnh, lại luôn luôn thao diễn, nhuệ khí tăng nhiều. Quân ta mới tập hợp lại, chưa tập luyện mấy, nhưng chưa thể đánh ngay được. Chi bằng ta hãy đợi thêm, đến lúc chỉ cần đánh một trận mà thành thì hơn.
Triệu Thị Trinh đứng dậy nói:
Bài viết liên quan:
– Anh chớ nên lo quân ta chưa mạnh. Bây giờ chính là lúc ta nên dựng cờ khởi nghĩa. Các nơi nghe tiếng ắt sẽ kéo thêm về, lo gì không đủ sức chống nhau với giặc? Lúc đầu ta hãy đánh vào những chỗ mà giặc sơ hở, không phòng bị, về sau ta sẽ đánh lớn hơn.
Thấy lời bàn hợp lý, Triệu Quốc Đạt đã hết băn khoăn. Sau, quả nhiên đúng như lời Triệu Thị Trinh nói, chỉ trong vòng một tuần (10 ngày) mà quân số đã lên đến hàng vạn. Triệu Thị Trinh lĩnh ấn tiên phong đi đánh một trận mở đầu hoàn toàn thắng lợi.
Không ngờ, giữa lúc quân ta khí thế đang lên, lực lượng đang mạnh, thì Triệu Quốc Đạt bị cảm mạo, rồi đột ngột qua đời. Mọi người, từ quân lính đến tướng sĩ, đều thấy Triệu Thị Trinh là người có tài đảm lược, lại tinh thông các môn võ nghệ, nên đã tôn ngay lên làm chủ tướng, thay Triệu Quốc Đạt. Ngày làm lễ an táng Triệu Quốc Đạt cũng là ngày Triệu Thị Trinh làm lễ đăng quang. Trước đông đủ tướng sĩ và quân lính, bà dõng dạc tuyên bố:
– Các ông thấy anh ta mất đã không hiềm ta là gái mà lập nên làm chủ tướng. Vậy ta cũng gắng sức để đáp lại lòng tin của mọi người. Bây giờ ta có mệnh lệnh trọng yếu, ai nghe theo thì được trọng thưởng, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm trị!
Sau lời mở đầu có tính chất nghiêm huấn ấy, bà lại tiếp tục ứng khẩu nói to những điều luật lệ và quy định ở trong quân ngũ, về hành binh cũng như về hạ trại, về chiến đấu cũng như lúc nghỉ ngơi, về quan hệ giữa tướng sĩ và giữa binh lính, giữa binh lính với thường dân,…
Lời bà vang lên sang sảng. Ba quân hàng ngũ chỉnh tề, lặng im phăng phắc. Mọi người đều nghe rõ từng lời, từng mệnh lệnh mà bà phát ra. Ai cũng thầm cảm phục và ghi nhớ kỹ trong lòng.
Từ đó, quân ta thế mạnh như chẻ tre, đánh tới đâu quân giặc tan tành tới đó. Nhiều thành trì bị hạ. Quân giặc phải co cụm lại ở những nơi trọng yếu nhất. Mỗi khi xuất trận, bà thường cưỡi trên mình voi, nai nịt gọn gàng, tay cầm kiếm sắc. Bà thật uy nghi, lẫm liệt, khiến cho quân Ngô, chỉ vừa trông thấy, đã bạt vía kinh hồn, không còn dám chống cự. Thời ấy có câu nói còn lưu truyền, rằng:
– Ngang con mắt nhìn cọp thì dễ, e rằng hướng lên mà nhìn bà Vương, thì thực là khó.
Lại có cả bài hát trong quân lính và dân chúng như sau:
Bà nữ tướng xinh đẹp
Tiếng tăm chấn động phong trần
Làm bạt vía quân Ngô
Sắc đẹp lại xúc động lòng người.
Quả thực, tài năng và sắc đẹp của bà đã làm mọi người vừa mến yêu vừa cảm phục. Dân chúng thì hết lòng chăm lo tiếp tế lương thực thực phẩm, còn quân sĩ thì hết lòng xong pha chiến đấu nơi giữa trận tiền.
Bảy tháng sau, tin ở phương Nam có bà nữ tướng tài giỏi làm cho quân Ngô đại bại, đã bay về tận Kinh đô phương Bắc. Vua Ngô vô cùng tức giận, sai Đốc quân đô úy Hành Dương là Lục Dận sang làm Thứ sử Giao châu, kiêm chức Hiệu úy. Dận dẫn quân tiếp viện ùn ùn kéo sang.
Cho rằng một người đàn bà thì có nghĩa lý gì mà quân Ngô phải sợ, nên Lục Dận biếm truất tất cả các quan thứ mục cũ, rồi tự mình chỉnh đốn quân đội, định ngày cất đại binh. Nào ngờ, ngay trận đầu giao chiến, quân Ngô đã thất bại. Trong một ngày, ba lần xung kích thì cả ba lần quân Ngô đều phải rút lui.
Thế rồi ròng rã năm sáu tháng sau, hai bên đối trận, giáp chiến có đến hơn bảy chục lần, mà cũng không phân thắng bại. Cuối cùng quân Ngô túng thế, phải rút quân vào trong thành, không dám giao chiến. Quân ta cũng đều nhiều phen công phá, nhưng vì thành cao hào sâu, quân giặc lại hết sức cố thủ, nên cũng chưa hạ được thành.
Thì ra Lục Dận cũng chẳng hơn gì kẻ tiền nhiệm của y. Lo sợ bị vua Ngô bắt tội nên Dận suy nghĩ ngày đêm. Cuối cùng, y đã tìm ra được một kế. Ấy là kế cho một vài tên lính nhanh nhẹn, thừa dịp đêm tối, lẻn ra ngoài thành để dò la tin tức của đối phương. Mấy ngày sau, lính do thám về báo cho Dận biết: Bà Vương tuy có tài chỉ huy, có sức địch lại muôn người nhưng lại không chịu sự tinh khiết, rất sợ những vạt dơ bẩn và những thân hình trần truồng. Mỗi khi nhìn thấy thì bà bịt mũi che mặt, nên không thể chiến đấu được,…
Dận xiết bao mừng rỡ, nở mặt nở mày, bèn xuống lệnh cho quân lính, tướng sĩ chuẩn bị. Mà cách chuẩn bị cũng thực bỉ tiện, xưa nay chưa từng thấy bao giờ. Mỗi một tướng sĩ và quân lính, sẽ một tay cầm vũ khí, còn tay kia thì cầm đoạn ống tre trong đựng phân và nước tiểu quần áo, mũ mãng, tất cả đều lột lại, để ở nhà.
Đúng ngày đối trận, Lục Dận sai mở cửa thành, rồi cứ tồng ngồng như thế, với một tay cầm ống đựng phân và nước tiểu, quân Ngô ồ ạt xông ra. Quân ta đều trố mắt ngạc nhiên, nhưng vẫn chuẩn bị xông vào giáp chiến. Chợt mọi người thấy phía quân Ngô, tất cả vừa gào thét, vừa vung lên những ống tre dài. Lập tức một mùi hôi thối nồng nặc xông lên, làm cho phía trận quân ta bối rối, vì ai nấy cũng lấy tay bịt mũi. Mọi người nhìn lên vị chủ tướng, chợt thấy bà cũng lấy tay bịt mũi như mọi người, và quay mặt đi hướng khác.
Nhanh như chớp, quân Ngô vừa vung những đoạn ống tre, vừa múa vũ khí xông vào quân ta. Bà Vương cho quay đầu voi chạy về, không giáp chiến nữa. Quân sĩ cũng chạy theo bà, hàng ngũ tán loạn. Quân Ngô thừa thắng, tràn lên như nước vỡ bờ. Quân ta, số bị chết nhiều vô kể, số còn lại cũng tan tác như ngựa lạc bầy. Bà Vương chạy được một hồi thì thấy phía trước đường tắc, phía sau quân Ngô đang ùn ùn lên bao vây. Thanh gươm vẫn đang cầm trên tay, bà trở mũi, rồi lấy sức đâm thẳng vào ngực mình.
Năm ấy, bà Vương vừa tròn hai mươi ba tuổi. Tính từ lúc khởi sự đến nay, vừa đủ ba năm. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Đất nươc ta lại bị nhà Ngô cai trị.
Sau trận thắng ấy, quân Ngô bị ốm liểng xiểng, cứ như có một nạn dịch lớn đã xảy ra vậy. Chắc là do chúng bị ngửi quá nhiều mùi phân và nước tiểu của chúng trong lúc giao trận? Lại nữa, hàng vạn tên tồng ngồng như thế, hễ bắt được đàn bà con gái, bất kẻ là lính hay dân thường, chúng cũng đều thay nhau hãm hiếp, thì thử hỏi, trong tình trạng mệt nhọc và bẩn thỉu như vậy, làm sao chúng tránh khỏi bệnh tật được?
Ấy thế mà tên Lục Dận gian hiểm, một mặt vừa cho thuốc chữa, mặt khác sai thợ đẽo đến mấy trăm cái ngọc hành, treo la liệt ở khắp nơi, để trừ yểm! Dận phao tin lên rằng, đêm y nằm mộng thấy bà Vương hiện về chửi mắng, nên phải làm như vậy để đối phó. Thật là lố bịch và bỉ ổi hết chỗ nói, chưa từng thấy ở khắp cổ kim đông tây!
Bà Vương mất đi nhưng tiếng thơm còn để lại mãi đến muôn đời. Các thế hệ người Việt đều kính phục và hết lòng tiếc thương một đời tài sắc và khí phách hiên ngang, lẫy lừng của Bà. Đền thờ Bà mọc lên ở khắp nơi. Các triều đại phong kiến trước đây đều có sắc thượng phong với những mỹ tự cao quý nhất: Anh Liệt, Hùng Tài, Vĩ Tích, Anh Mẫn, Trinh Nhất. Đến thời hiện tại, nhiều trường học, đường phố,… cũng đã mang tên Bà.
Truyền thuyết Việt Nam – nhiều tác giả,