Hướng dẫn làm bánh trung thu thập cẩm – bánh nướng và bánh dẻo
Toc
Trung thu lại đang sắp đến gần, có thể những năm gần đây, không khí trung thu không còn rõ ràng như trước nhưng những chiếc bánh trung thu luôn là những thành phần không thể thiếu, những nét đẹp trong văn hóa luôn cần được gìn giữ. Hãy cùng tạo nên một ngày Tết Hoa đăng đầm ấm cùng với hướng dẫn cách làm bánh trung thu thập cẩm, để bạn có thể tự tay làm một chiếc bánh vừa ngon vừa đảm bảo sức khỏe. Qua đó, tạo ra một không khí gia đình mới mẻ hơn nhưng vẫn đượm màu truyền thống trong những ngày này nhé!
Thành phẩm bánh trung thu thập cẩm nướng
Bánh Trung thu thập cẩm – bánh nướng
Nguyên liệu làm bánh (4 chiếc bánh 200 gram)
Phần vỏ bánh
- Bột mì đa dụng: 150 gram
- Nước đường bánh nướng: 90 gram
- Dầu ăn: 15 gram
- Baking soda: ¼ muỗng cà phê
- Bơ đậu phộng: 6 gram
Phần nhân bánh
Nguyên liệu làm bánh nhân thập cẩm
- Trứng muối: 4 quả
- Rượu mai quế lộ: vừa đủ để ngâm, rửa trứng
- Dầu mè: quét mặt trứng
- Mứt bí: 50 gram
- Mứt tắc: 20 gram
- Mứt gừng đỏ: 30 gram
- Mứt hạt sen: 50 gram
- Hạt dưa: 40 gram
- Hạt điều: 50 gram
- Hạt bí: 50 gram
- Mè rang: 40 gram
- Mỡ đường: 40 gram
- Lạp xưởng: 50 gram
- Lá chanh: 5 lá
- Vỏ của 2 trái chanh
Chất kết dính cho nhân
- Bột bánh dẻo: 20 – 40 gram
- Rượu mai quế lộ: 20 – 30 ml (không bắt buộc)
- Nước: 3 muỗng canh
Lưu ý:
- Có thể thay thế baking soda bằng 1 lòng đỏ trứng gà, rượu mai quế lộ bằng rượu trắng.
- Chỉ cần đảm bảo tổng khối lượng nhân, bạn có thể tăng giảm số lượng thành phần như thế nào cũng được.
Hướng dẫn làm bánh trung thu thập cẩm – bánh nướng
Hướng dẫn làm bánh trung thu thập cẩm – bánh nướng
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Trứng muối
- Bóc vỏ, loại lòng trắng trứng muối
- Rửa sạch lòng đỏ dưới vòi nước rồi ngâm trong rượu mai quế lộ 30 – 60 giây để khử mùi tanh, trứng cũng sẽ ngon hơn.
- Cho trứng vào khay nướng rồi quét lên mặt trứng một ít dầu mè để trứng bóng đẹp và thơm hơn.
- Làm nóng lò nướng trước 10 phút ở nhiệt độ 160 – 170 độ C, rồi cho trứng vào nướng trong 5 phút.
Nhân thập cẩm
- Rang chín tất cả các hạt.
- Hấp chín lạp xưởng
- Cắt nhỏ những nguyên liệu to (mứt tắc, mứt gừng, lạp xưởng, lá chanh,…)
Lưu ý: Không nướng trứng quá lâu, trứng sẽ bị bở – khô khi cắt ra, trứng được nướng vừa chín sẽ có màu đỏ cảm rất đẹp. Bạn có thể sử dụng nồi hấp nếu không có lò nướng, hấp trong 5 phút kể từ thời gian nước sôi.
Bước 2: Trộn bột vỏ bánh
- Rây hết lượng bột mì vào một tô lớn, tạo một chỗ trũng trên mặt bột rồi cho vào đó baking soda (¼ muỗng cà phê), bơ đậu phộng (10 gram), nước đường làm bánh nướng (160 gram) và dầu ăn (30 gram)
- Trộn đều rồi dùng tay nhồi bột đến khi bột thành một khối và các nguyên liệu đồng nhất với nhau. Tránh nhồi bột quá lâu, bột sẽ bị chai.
Nhồi bột cho đến khi các nguyên liệu đồng nhất và có thể hợp thành một khối là đạt
- Dùng màng bọc thực phẩm, đậy kín thành phẩm và ủ bột trong vòng 30 – 45 phút, để bột không bị khô và bánh mềm hơn.
Bước 3: Làm nhân bánh
- Cho hết các loại nhân: hạt, mứt, lạp xưởng, mỡ đường, … cùng bột bánh dẻo (thêm từ từ từng 2 muỗng canh một cho đến khi cảm thấy nhân đã có độ kết dính thì ngừng).
Vừa trộn vừa thêm bột bánh dẻo cho đến khi có thể bắt hỗn hợp thành viên như thế này là được
- Trộn đều rồi thêm vào hỗn hợp 2 muỗng canh mai quế lộ cùng 3 muỗng canh nước.
- Trộn đều một lần nữa, cho đến khi bạn cảm thấy nhân bánh có thể vắt thành viên là được, thêm tiếp bột bánh dẻo nếu hỗn hợp chưa đủ kết dính.
Lưu ý:
- Nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
- Thêm nước đường nếu thích ăn ngọt, nước tương và dầu hào nếu bạn ăn mặn hơn.
Bước 4: Bắt bánh
Lưu ý: Tỷ lệ nhân gấp 2 lần vỏ bánh là đẹp
Ví dụ: Khuôn 200 gram: cần 135 gram nhân (tính cả trứng muối) + 65 gram vỏ
- Cho trứng muối và hỗn hợp thập cẩm lên cân (nếu bạn không có cân ước chừng mỗi nhân bánh khi chưa có trứng muối to bằng 1 nắm tay trẻ em và bằng một quả quýt khi đã thêm trứng muối vào)
- Vo tròn nhân thập cẩm và dùng ngón cái ấn sâu vào giữa tạo một lỗ trống để thêm thêm trứng muối vào.
- Lấp kín miệng nhân rồi vo tròn để trứng muối được nằm vào chính giữa phần nhân bánh.
Với lượng nguyên liệu này bạn sẽ làm được 4 viên nhân 135 gram
Bài viết liên quan:
- https://ngaydacbiet.com/3-cach-lam-banh-crepe-ngan-lop-chocolate-thom-ngon-tuyet-voi/
- https://ngaydacbiet.com/cach-lam-banh-day-gio-kep-cha-sieu-ngon-ma-don-gian/
- https://ngaydacbiet.com/bach-khoa-toan-thu-ve-huong-dan-lam-banh-su-kem/
- https://ngaydacbiet.com/thoa-suc-sang-tao-cung-cach-lam-banh-su-kem-singapore-chewy-junior/
- https://ngaydacbiet.com/cach-lam-banh-dua-nuong-ngon-tai-nha/
- Cân 65 gram vỏ bánh, vo tròn rồi cán mỏng. (Cho một ít bột khô lên mặt bàn và dụng cụ cán bánh)
- Cán vỏ bánh sao cho phần mép bánh mỏng hơn phần tâm bánh một chút và có đường kính gấp 2 lần đường kính của viên nhân.
Cán vỏ bánh thật mỏng sao cho vỏ bánh có đường kính gấp 2 viên nhân
- Cho mặt vỏ bánh đẹp vào lòng bàn tay, cho nhân vào giữa rồi lật ngược vỏ bánh lại.
- Lật ngược vỏ bánh, miết nhẹ cho bột phủ kín nhân.
- Lật trở lại, túm và vuốt cho vỏ bánh bao phủ lên phần còn lại của nhân bánh.
- Cuối cùng, vo bánh thật tròn để xóa đi những vết nứt và nếp gấp trên mặt vỏ bánh rồi áo lên một lớp bột bánh để chống dính nữa là xong
Lưu ý: Bao bánh thật kỹ để không khí không lọt vào trong, bánh sẽ bị phồng và mất nét do không khí bên trong giãn nở.
Bước 5: Ép khuôn
- Quét sơ một lớp dầu ăn lên khuôn bánh
- Lật khuôn lên rồi cho bề mặt bánh đẹp vào trong
- Ép cho mặt bánh giàn ra rồi lật xuống và ép bánh
- Giữ lực ép trong vòng 20 – 30 giây để hoa văn được in rõ nét.
- Tách từ từ bánh ra khỏi khuôn
Những chiếc bánh nhân thập cẩm đã được in hoa văn trước khi nướng
Bước 6: Nướng bánh
- Cho bánh lên khay nướng cùng một lớp giấy nến, lưu ý khoảng cách của bánh, trung bình một khay nướng tầm 4 – 5 chiếc bánh là vừa.
- Làm nóng lò ở nhiệt độ 190 độ C trước 10 phút ở chế độ lửa trên và dưới.
- Xịt lên mặt bánh 1 lớp nước trước khi cho vào lò.
- Nướng bánh lần 1 ở nhiệt độ 190 độ C trong 12 phút
- Trong thời gian chờ đợi: 1 lòng đỏ trứng + 1 ít lòng trắng + 2 muỗng cà phê sữa tươi (hoặc nước) + 1 muỗng cà phê dầu mè.
- Khi đủ thời gian nướng bánh, lấy banh ra rồi xịt ngay lên mặt bánh một lớp nước.
- Chờ khoảng 15 – 20 phút cho bánh nguội hẳn. Gần hết thời gian để bánh nguội, làm nóng lò nướng một lần nữa.
- Quét lên mặt và xung quanh mặt bánh hỗn hợp trứng vừa làm rồi nướng lần 2 với nhiệt độ 165 độ C trong 12 phút.
- Lấy bánh ra và xịt nước sau khi nướng lần 2.
- Đợi bánh nguội và quét trứng lên mặt bánh một lần nữa, làm nóng lò khi gần hết thời gian chờ bánh nguội.
- Cho bánh vào và nướng lần 3 ở nhiệt độ 165 độ C trong 5 phút.
Thành quả của bạn sau 3 lần nướng bánh trung thu thập cẩm cùng trứng muối
Lưu ý:
- Trong thời gian chờ bánh nguội hãy tiếp tục nướng mẻ bánh thứ 2, thậm chí là 3 để tiết kiệm thời gian.
- Bánh mới nướng xong có thể có màu chưa đều, giữ bánh ở điều kiện khô thoáng sau khoảng 1 – 2 ngày để phần dầu bên trong thấm ra bên ngoài lớp vỏ bánh. Bánh sẽ mềm và có màu nâu óng rất đẹp.
- Với hướng dẫn làm bánh trung thu thập cẩm này, bảo quản bánh với hộp nhựa hoặc bịch nilon và túi hút ẩm để bánh được giữ lâu hơn (7 – 10 ngày).
Bánh Trung thu thập cẩm – bánh dẻo
Hướng dẫn làm bánh trung thu thập cẩm – bánh dẻo
Nguyên liệu làm bánh (8 chiếc bánh 125 gram)
Phần nhân bánh
- Mứt hạt sen: 100 gram
- Mứt bí: 100 gram
- Hạt bí: 100 gram
- Hạt điều: 100 gram
- Lạp xưởng: 100 gram
- Mỡ đường: 100 gram
- Mứt chanh: 50 gram
- Vừng/ mè: 25 gram
- Lá chanh: 25 gram
- Bột bánh dẻo: 3 – 4 muỗng canh
Phần vỏ bánh
- Nước đường bánh dẻo: 400 gram
- Nước hoa bưởi: 1 muỗng cà phê
- Bột bánh dẻo: 200 gram
Hướng dẫn làm bánh trung thu thập cẩm – bánh dẻo
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rang chín tất cả các hạt, cán vỡ các hạt lớn như hạt điều,…
- Lạp xưởng hấp chín, cắt vụn
- Cắt nhỏ những nguyên liệu to (mứt tắc, mứt gừng, mứt chanh,…); thái sợi lá chanh
Bước 3: Làm nhân bánh
Trộn đều hỗn hợp rồi vo viên nhân thành 8 phần bằng nhau
- Trộn đều các nguyên liệu nhân bánh, thêm từ từ từng muỗng một bột bánh dẻo.
- Khi các thành phần đã có thể vo thành viên thì chia hỗn hợp thành nhiều phần và vo tròn, ép chặt.
- Với công thức hướng dẫn làm bánh trung thu thập cẩm này, bạn có thể chia nguyên liệu thành 8 phần nhân bánh.
Bước 3: Làm vỏ bánh
- Cho lần lượt nước đường bánh dẻo (400 gram), 1 muỗng cà phê nước hoa bưởi, cùng ⅓ lượng bột bánh dẻo bạn đã chuẩn bị.
- Khuấy đều hỗn hợp, rồi thêm ⅓ còn lại vào và trộn đểu thêm lần nữa.
Sau khi bột nghỉ được 30 phút, mang ra nhào với phần bột còn lại
- Sau khi đã trộn đều ⅔ lượng bột ban đầu, đậy bột lại bằng màng bọc thực phẩm rồi cho bột nghỉ trong vòng 30 phút.
- Hết thời gian, mang bột ra nhào tiếp với phần bột còn lại.
- Gấp bột nhiều lần thành nhiều lớp (3 lớp cuộn vào nhau)
Bước 4: Nặn bánh
- Khi bột đã mịn, chia bột thành nhiều phần, với khối lượng gấp 2 lần nhân bánh (80 gram/ phần).
Sau khi bột đã mịn, chia bột thành nhiều phần với khối lượng gấp 2 nhân bánh
- Cán bột mỏng rồi bọc phần nhân bánh đã chuẩn bị lúc nãy vào.
- Phủ thêm một lớp bột nếu 2 mặt bánh còn dính tay.
- Vừa miết vừa đóng nhân bánh lại thật chặt để không khí không bị lọt vào.
- Vo tròn để khép miệng và xóa đi các nếp đứt trên mặt vỏ bánh
Túm phần miệng bánh thật kín rồi vo tròn cho bánh đều nhau và phần nhân được nằm chính giữa
- Phủ một lớp bột lên mặt bánh để chống dính vào thành khuôn
- Cho bánh vào khuôn rồi ép bánh từ từ và chắc tay.
- Giữ tay trong 20 – 30 giây để lưu hoa văn trên mặt bánh.
- Nhấn tay, nhẹ nhàng tách vỏ bánh ra khỏi khuôn. Vậy là xong!
Trên đây là bài chia sẻ hướng dẫn làm bánh trung thu thập cẩm theo 2 cách bánh nướng và bánh dẻo, hi vọng với những chỉ dẫn chi tiết này, bạn sẽ có thể chinh phục thành công vị bánh Trung thu truyền thống vô cùng đơn giản và thân quen này. So với làm bánh trung thu nhân đậu xanh, nhân thập cẩm tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều và dành cho những bạn không quá hảo ngọt hay đã ngán với sự béo bùi của nhân đậu xanh, muốn tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ mà không đơn điệu. Hãy thử làm và thưởng thức những chiếc bánh trung thu thập cẩm này nhé! Chúc các bạn thành công!
Tham khảo thêm: Đặc sản các tỉnh